Để xe trên vỉa hè, chủ xe ngớ người khi “dân xã hội” tới hỏi thăm, vỗ vai mấy cái rồi “bay luôn” 10 củ

Những ngày này, phố Phan Đình Phùng luôn trong tình trạng tấp nập do có rất đông người dân đổ về để chụp ảnh. Từ đây cũng có rất nhiều điểm trông giữ xe máy tự ý “mọc lên”, thu tiền gửi xe của người dân.

Ngớ người khi bị thu tiền gửi xe trên vỉa hè phố Phan Đình Phùng, Hà NộiĐiểm giữ xe tự phát ngang nhiên “mọc” trên phố Phan Đình Phùng. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vừa gạt chân chống, dựng xe trên vỉa hè phố Phan Đình Phùng, anh Nguyễn Gia Bảo (26 tuổi, Nghĩa Tân, Cầu Giấy) giật mình vì câu nói phát ra từ một người phụ nữ trung niên “10.000 cháu ơi”.

Anh Bảo cho biết, mỗi khi đến mùa thu, anh đều cùng vợ lên phố Phan Đình Phùng để chụp ảnh, và việc thu tiền gửi xe là lần đầu tiên diễn ra trên con phố này.

“Tôi không hiểu từ lúc nào, vỉa hè phố Phan Đình Phùng lại có chuyện thu tiền gửi xe. Tôi đồng ý việc trông giữ xe cho những người đến phố Phan Đình Phùng chụp ảnh, nhưng phải thực sự trông giữ xe. Thu xong tiền, họ liền đi chỗ khác để tiếp tục mời chào, bỏ mặc xe tôi ở đó” – anh Bảo bức xúc.

Cùng chung sự bức xúc, chị Nguyễn Hồng Ngọc (24 tuổi, quê Nam Định) cho biết, đã 2 năm đi chụp ảnh phong cách “nàng thơ” trên phố Phan Đình Phùng, nhưng đây là lần đầu tiên bị thu tiền gửi xe ngang nhiên như này.

“Khi tôi và bạn vừa đỗ lên vỉa hè cạnh di tích Cửa Bắc, một người phụ nữ liền áp sát, đòi thu tiền gửi xe.

Tuy nhiên, người này không hề mặc đồng phục của đơn vị trông giữ xe, vé xe cũng không in các thông tin về công ty, chỉ được in sơ sài ngày tháng, biển số xe và không có dấu, hay bất kỳ thông tin xác nhận nào” – chị Ngọc nói.

Chị Ngọc cho biết thêm, nếu thắc mắc về giá vé, điểm trông giữ này là tự phát hay quản lý bởi cá nhân, tổ chức nào, lập tức người phụ nữ này sẽ quát, mắng, thậm chí bị xua đuổi người hỏi đi nơi khác.
Vé xe được in sơ sài, ảnh chụp chiều 1.9. Ảnh: Vĩnh HoàngVé xe được in sơ sài, ảnh chụp chiều 1.9. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Theo ghi nhận của Lao Động, dọc tuyến phố Phan Đình Phùng có khoảng 3-4 điểm trông giữ xe tự phát, những người này đều không có đồng phục của nhân viên trông giữ xe, giá vé gửi xe tại đây đều cao gấp 2-3 lần giá vé được UBND TP Hà Nội niêm yết.

Mức phí gửi xe dao động từ 10.000-15.000 đồng/xe máy.

Khi được phóng viên hỏi về việc “đơn vị nào đang vận hành điểm trông giữ xe này”, người phụ nữ này trả lời quanh co: “Mọi người chụp ảnh ở đây hay vào trong đấy (Di tích Cửa Bắc – PV) thì đều gửi xe ở đây hết mà”.

Tuy nhiên, theo nhân viên bảo vệ của di tích Cửa Bắc, tất cả khách tham quan khi đến khu di tích sẽ gửi xe ở phía bên trong khuôn viên của di tích.

Hàng dài xe máy tại những điểm trông giữ xe tự phát. Ảnh: Vĩnh HoàngHàng dài xe máy tại những điểm trông giữ tự phát cạnh di tích Cửa Bắc, ảnh chụp chiều 1.9. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Chính Trung – Phó Chủ tịch phường Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) – cho biết, hiện nay phường Quán Thánh đã ra quân, triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên phố Phan Đình Phùng.

Đối với những trường hợp tự ý trông giữ xe thu tiền trên phố Phan Đình Phùng, trước đó phường đã xử lý, phạt hành chính 2 đối tượng, thanh tra giao thông đã xử lý 1 đối tượng.

“Hiện tại phường đã chỉ đạo Công an phường Quán Thánh cùng bộ phận đô thị phường, tổ trật tự, bảo vệ dân phố, các tiểu ban 197 căng mình, ra quân đảm bảo trận tự đô thị trên phố Phan Đình Phùng” – ông Trung cho biết.

Cũng theo ông Trung, phố Phan Đình Phùng hiện tại đang đón rất nhiều người dân đến chụp ảnh, tuy nhiên tuyến phố này lại không có bãi trông giữ xe.

Hiện nay, UBND phường Quán Thánh đã có văn bản đề xuất UBND quận Ba Đình bổ sung một số bãi trông giữ xe để đảm bảo an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông. Thế nhưng, tuyến phố Phan Đình Phùng là tuyến phố cấm để xe nên UBND quận đang xem xét cơ chế đặc thù.

Bạn sẽ ứng xử ra sao khi bị người lạ thu “tiền trông xe”

Bạn sẽ ứng xử ra sao khi bị người lạ thu “tiền trông xe”- sẽ là bài viết đề cập đến thực trạng một nhóm người tự ý thu tiền giữ xe thay cho cơ quan chức năng, thậm chí họ còn tự lập bãi thu tiền ở những nơi cấm đỗ ô tô xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận.

Hà Nội những ngày này không chỉ oi bức bởi ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mà còn “nóng bỏng” với những câu chuyện về việc gửi xe.

Mới đây, một người đỗ xe tại đoạn đường không cấm dừng đỗ để vào ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, 10 phút sau ra lấy xe, anh bị chặn lại bởi một người mặc đồng phục, tự xưng nhân viên trông xe khu vực này. Do không có thoả thuận trước đó và không xuất vé, đồng thời khu vực đỗ xe nằm ngoài ranh giới bãi xe bên cạnh, anh kiên quyết từ chối trả tiền và đưa câu chuyện lên mạng xã hội.

Dù tính xác thực của câu chuyện chưa sáng tỏ, nhưng lập tức, một làn sóng tranh luận đã nổ ra.

Ở luồng quan điểm thứ nhất, đa số ủng hộ suy nghĩ của người chủ xe. Đó là: chỉ gửi xe ở bãi xe hợp pháp, có giấy phép, kẻ vạch vị trí, có giao vé và đảm bảo rõ ràng quyền lợi về bảo hiểm, phòng cháy chữa cháy. Kể cả bãi xe có phép, nhưng thu tiền lấn diện tích gần đó, cũng kiên quyết nói “Không”.

Nhưng ở luồng quan điểm thứ hai, không ít người cho rằng, đó chỉ là lý thuyết phi thực tế, vì giờ tìm mỏi mắt chưa chắc đã kiếm được một chỗ đỗ xe hợp pháp ở vùng lõi thành phố.

Họ cho rằng “nước có thổ công, sông có hà bá”, “kiếm được chỗ đỗ là may lắm rồi”, “đi ô tô sao lại tiếc vài chục nghìn gửi xe?”, đồng thời khuyên chủ xe nên thỏa hiệp với các nhóm trông giữ xe để hạn chế tối đa xe bị trầy xước, phá hoại, bởi “chờ được vạ thì má đã sưng”, quan trọng là mua lấy sự yên tâm!?

Dĩ nhiên, còn có luồng quan điểm thứ ba, họ sẽ ứng xử tùy tâm trạng và tùy tính cấp bách của công việc. Tức là quan điểm không rõ ràng, lúc phản đối, khi thì ngậm bồ hòn làm ngọt để “tránh gặp rắc rối”.

Ảnh minh họa: Người lao động

Ảnh minh họa: Người lao động

Thực tế, bất cứ chủ xe hơi nào ở Hà Nội có lẽ cũng từng rơi vào một trong ba trường hợp vừa nêu. Và ở mỗi tình huống, ai cũng đều có lý cho quyết định của mình.

Người viết chợt nhớ đến một câu chuyện có thật từng được người trong cuộc giãi bày: Một người có quyền hạn rất cao trong xử lý vi phạm trật tự tại một quận, khi chở con lên phố đi bộ vui chơi cuối tuần, vẫn phải bấm bụng trả 50 nghìn đồng phí gửi xe tự phát trong vòng 2 tiếng.

“Đấy là xã hội mà”, người này tặc lưỡi cho biết, dù về lý thuyết, anh hiểu rõ các quy định của pháp luật và có thể đấu tranh với việc thu tiền sai trái, trục lợi lòng đường, hè phố như vậy. Nhưng làm vậy, buổi đi chơi của các con có thể sẽ bị phá hỏng.

Đó là sự đánh đổi mà người này hay bất cứ chủ xe hơi nào cũng từng lưỡng lự. Họ ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ đều là nạn nhân của một chính sách giao thông tĩnh thiếu minh bạch. Ngay từ trước khi lên xe, họ đã luôn chừa sẵn một phương án: “Cùng lắm thì gửi ở bãi xe tự phát”.

Quay trở lại câu chuyện ban đầu, mọi chuyện có lẽ sẽ không quá ồn ào, nếu người chủ xe cảm nhận được sự minh bạch từ nhân viên trông xe và bãi gửi xe, thể hiện qua vạch kẻ diện tích khai thác, biển báo niêm yết số giấy phép, bảng giá, nhân viên có bảng tên, cam kết trách nhiệm bảo vệ tài sản của khách bằng hợp đồng (tức tấm vé).

Trong các trường hợp khác, nếu không chứng minh được việc trông xe và thu tiền là hợp pháp, mọi lý lẽ kiểu “cả tuyến phố này chúng tôi đã thầu rồi” đều là trái pháp luật. Lúc này, từ chối trả tiền hay tặc lưỡi thoả hiệp là quyền của chủ phương tiện.

Dĩ nhiên, thực tiễn thường khác với lý thuyết, có thể có những cách thức khác mà các chủ phương tiện sẽ thực hiện.

Còn quý vị thính giả và các bác tài, các bạn sẽ lựa chọn cách thức ứng xử ra sao khi bị một người lạ hoắc gõ cửa kính thu tiền gửi xe tại nơi công cộng? Hãy chia sẻ với VOV Giao thông qua đường dây nóng 02437919191 hoặc fanpage VOV Giao Thông./.